Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam (Southeast Asian Researche Association of Vietnam – SEARAV) được thành lập theo Quyết định số 563/TTg ngày 20 tháng 8 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện tại, Hội tổ chức và hoạt động theo Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam được Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 1068/QĐ-BNV ngày 28 tháng 12 năm 2023.
Hội nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về các nước trong khu vực Đông Nam Á. Mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hội viên, hỗ trợ nhau trong hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, ứng dụng khoa học kỹ thuật, lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội và liên quan đến các nước trong khu vực Đông Nam Á nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và tăng cường sự hợp tác quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và thế giới vì một Đông Nam Á hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững. Tổ chức, hoạt động của Hội được thực hiện theo đúng các nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản; Tự bảo đảm kinh phí hoạt động; Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; Không vì mục đích lợi nhuận; Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ Hội đã được các kỳ Đại hội thông qua và Ban hành. Kể từ khi thành lập cho đến nay, Hội đã trải qua 04 kỳ Đại hội.
Những năm đầu tiên sau ngày thành lập, Hội đã phải vượt qua những điều kiện vô cùng khó khăn của một tổ chức phi chính phủ cả về cơ sở vật chất, trụ sở cùng nguồn tài chính hạn hẹp. Đặc biệt, các đồng chí trong Ban Chấp hành đều là những nhà khoa học có uy tín, giỏi về chuyên môn nhưng là những người chưa có nhiều kinh nghiệm về tổ chức và quản lý theo mô hình tổ chức Phi chính phủ. Mặc dù khó khăn và thách thức như vậy, nhưng nhìn chung Hội vẫn có những bước phát triển với nhiều nội dung và hình thức tổ chức mới đầy sáng tạo và đã để lại những dấu mốc phát triển quan trọng trong các hoạt động của Hội: các hoạt động trở nên chuyên sâu hơn, gắn với đời sống xã hội hơn, đáp ứng với tình hình phát triển chung của đất nước và phù hợp với bối cảnh quốc tế. Bên cạnh đó, các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Lãnh đạo Hội trong các nhiệm kỳ vừa qua đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hạ quyết tâm cao hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, quán xuyến, chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thành viên Hội thực hiện tốt các chương trình, đề tài khoa học đã đề ra, bám sát và động viên các tổ chức, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ và qui chế của Hội để hoạt động có hiệu quả cao, không để xảy ra sai sót, vi phạm luật pháp nhà nước Việt Nam và được các cơ quan có liên quan và các địa phương đánh giá cao.
Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Hội đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Về tổ chức, Hội hiện có có 93 đơn vị thành viên có trụ sở tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác trong cả nước, bao gồm 55 Viện nghiên cứu khoa học, 35 Trung tâm nghiên cứu khoa học, 02 Liên hiệp khoa học, 01 Tạp chí Đông Nam Á (in và điện tử). Trong 93 đơn vị thành viên đó có 78 tổ chức do Bộ Khoa học và Công nghệ, các Sở Khoa học và Công nghệ cấp phép; 12 tổ chức do Bộ Nội vụ cho phép thành lập; 2 tổ chức do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép thành lập, 01 Tạp chí Đông Nam Á (Tạp chí in và và tạp chí điện tử) do Bộ thông tin và truyền thông cấp phép. Hội cũng hiện có hơn 500 hội viên với tư cách là hội viên cá nhân, hội viên tập thể, hội viên liên kết, hội viên danh dự trong cả nước.
Về hoạt động, Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực đóng góp vào sự nghiệp xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. Trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức về Đông Nam Á và ASEAN, dịch vụ khoa học và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên môi trường, giáo dục đào tạo chuyên môn, chuyên sâu, nâng cao năng lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều chương trình và một số dự án do các Viện, các Trung tâm trực thuộc Hội thực hiện đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành công vào đời sống thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Đất nước. Đặc biệt đã thu hút và sử dụng được một lực lượng đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia đã nghỉ hưu và nhiều sinh viên ra trường có công ăn việc làm, giảm tải áp lực cho xã hội. Các hoạt động của Hội và các đơn vị trực thuộc được xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Về hợp tác quốc tế, hiện tại Hội đang có nhiều mối quan hệ với các tổ chức Quốc tế, bao gồm các tổ chức chính phủ và tổ chức phi chính phủ. Ngoài các nước trong khu vực Đông Nam Á, Hội còn có mối quan hệ hợp tác phát triển với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các đại sứ quán các nước, đặc biệt là với các quĩ và các chương trình phát triển như: Tổ chức Mariestopes International Anh – Úc, Ủy ban y tế Việt Nam – Hà Lan, Quỹ Kennan Châu Á, Tổ chức Bánh mì Thế giới, Tổ chức Plan International Việt Nam, Tổ chức Crritas – Pháp, Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam, v.v… Các hoạt động hợp tác quốc tế giữa Hội và các tổ chức, đơn vị thành viên trực thuộc Hội đều được thực hiện nghiêm túc các qui định về hợp tác quốc tế do Ban đối ngoại TW qui định, không để xảy ra một sai sót, vi phạm. Có thể nhận thấy rằng, các tổ chức Quốc tế ngày càng tin tưởng ở khả năng của chúng ta hơn trong các lĩnh vực xây dựng các dự án có tầm vĩ mô với nguồn tài chính lớn.
Về phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong các hoạt động, Hội và các đơn vị thành viên đã luôn luôn chấp hành và tuân thủ nghiêm túc các quy chế về quản lý nhà nước, đặc biệt là sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ qua các văn bản hướng dẫn thực hiện. Hội và các đơn vị trực thuộc đã luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và công nghệ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Công an (A25, A03) và các địa phương trong lĩnh vực hoạt động, luôn có các đợt kiểm tra thường kỳ và đột xuất hàng năm nhằm đảm bảo các hoạt động của Hội và các đơn vị trực thuộc không sai phạm quy chế và pháp luật của Nhà nước.
Có thể nhận thấy rằng, khắp nơi trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến những vùng rừng, núi xa xôi, hải đảo… ở đâu cũng có những công việc và dấu chân của Hội và các thành viên trực thuộc đã và đang làm việc trong các lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đào tạo nâng cao năng lực, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, chuyển giao dịch vụ khoa học công nghệ… và dù ở đâu cũng được chính quyền và nhân dân – những người được hưởng lợi từ các chương trình, dự án – đón nhận một cách thân tình và đánh giá cao những công việc mà Hội và các thành viên trực thuộc đã và đang thực hiện. Mặc dù nền kinh tế cả nước đang phải trải qua những thử thách gay go trước tác động của khủng hoảng suy thoái kinh tế thế giới, nhưng những kết quả mà Hội đạt được là đáng ghi nhận.
Trong thời gian tới, Hội nhận thức được rằng, trước mắt còn phải vượt qua nhiều thách thức mới. Nhưng với sự đồng tâm, nhất trí của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, đặc biệt là Ban Lãnh đạo Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam Khoá IV (nhiệm kỳ 2023 – 2028), cùng toàn thể các cán bộ và hội viên các đơn vị trực thuộc, nhất định Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam sẽ biến mọi thách thức thành những cơ hội mới, hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng và giao phó, xây dựng Hội thành một tổ chức Xã hội – Nghề nghiệp phát triển vững mạnh và đoàn kết.