Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập – RCI

RCI là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, đã đăng ký hợp pháp với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2018. RCI thuộc điều phối và quản lý của Trung ương Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam (SEARAV).

RCI hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, bao gồm cả trẻ em và người khuyết tật do bệnh phong gây ra. Những can thiệp chính của RCI để đạt được mục tiêu này thông qua nghiên cứu và vận động chính sách về người khuyết tật, giáo dục hòa nhập, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng và thúc đẩy sự hòa nhập xã hội của người khuyết tật. 

RCI tiền thân là Hiệp hội Cứu trợ bệnh phong Hà Lan (NLR) khu vực Mekong. NLR hoạt động tại Việt Nam từ năm 1981 và mở rộng phạm vi hoạt động sang các nước Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Lào và Thái Lan từ năm 2012. Các can thiệp ban đầu của NLR là hỗ trợ các dự án kiểm soát bệnh phong và sau đó mở rộng sang lĩnh vực khuyết tật và hòa nhập người khuyết tật, bao gồm những người mắc bệnh phong. RCI sẽ tiếp nối chuyên môn, kinh nghiệm và mạng lưới đã được NLR gây dựng trong suốt 35 năm qua tại Việt Nam và một số nước trong khu vực Mê Kông.

TẦM NHÌN: RCI hướng tới một xã hội mà ở đó người khuyết tật, bao gồm cả trẻ em và người mắc bệnh phong có sự bình đẳng về các quyền và hòa nhập một cách đầy đủ trong cuộc sống.

SỨ MỆNH: RCI huy động nguồn lực và thực hiện các can thiệp với trọng tâm vào nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng kỹ thuật công nghệ nhằm tăng cường năng lực sống độc lập và hòa nhập của người khuyết tật, bao gồm trẻ em và người mắc bệnh phong.

Một trong những hoạt động trọng tâm nhất của RCI là Giáo dục hòa nhập, với mục tiêu cải thiện chất lượng và điều kiện tiếp cận với giáo dục hòa nhập của trẻ em khuyết tật thông qua một chuỗi các hành động bao gồm:

  • hỗ trợ sự vận hành hiệu quả của các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập;
  • nâng cao năng lực giáo viên dạy hòa nhập
  • xây dựng tài liệu tập huấn giáo viên;
  • giáo dục về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn cho các thanh thiếu niên khuyết tật.

Dự án “Hỗ trợ chân giả và học bổng ​cho cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh phong ​tại Việt Nam​” do Quỹ Peerke Donders Stitching viện trợ đã được triển khai nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người mắc bệnh phong tại Việt Nam thông qua chương trình hỗ trợ chân giả và chương trình học bổng cho con em của gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh phong. ​Dự kiến sẽ có 300 người khuyết tật được làm chân giả mới, 600 lượt người được sửa chữa chân giả và 180 học sinh sinh viên thuộc hộ nghèo của gia đình người mắc bệnh phong được cấp học bổng.​

Các can thiệp cần thiết của RCI bao gồm:​

  1. Giúp cộng đồng người mắc bệnh phong bị đoạn chi/cụt chân có thể di chuyển và tương tác với những người xung quanh, tự phục vụ bản thân và thành viên trong gia đình, hòa nhập xã hội như những người bình thường khác. ​
  2. Hỗ trợ cho các con của người mắc bệnh nhân phong có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đi học, giúp các hộ gia đình này giảm bớt gánh nặng kinh tế và tạo động lực cho các em học tập tiến bộ.​

Cho tới thời điểm hiện nay không còn các tổ chức hỗ trợ người mắc bệnh phong như những năm trước đây. Vì vậy các hoạt động của RCI không có sự trùng lặp với các tổ chức khác.​

Các vấn đề sẽ được giải quyết thông qua dự án này bao gồm:

  • Thăm khám cho người bị cụt chân do ảnh hưởng bởi bệnh phong​;
  • Sản xuất chân giả phù hợp với tình trạng của họ; ​
  • Lắp chân giả cho những người đã được thăm khám; ​
  • Sửa chữa chân giả bị hư hỏng trong quá trình sử dụng của người hưởng lợi; ​
  • Cung cấp các phụ kiện đi kèm chân gia (tất mỏm cụt, dép, nạng nách, khuỷu, ba toong, băng chun, kính bảo vệ mắt, dây đai chân giả) tại các khu điều trị phong và ngoài cộng đồng;
  • Trao học bổng cho con gia đình nghèo bị ảnh hưởng bởi bệnh phong. Các học sinh này được lựa chọn theo tiêu chí của dự án;
  • Liên lạc và theo dõi cùng với gia đình và nhà trường để nắm rõ tình hình học tập của các em để có những hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.​

Dự án “Cải thiện môi trường làm việc hòa nhập cho thanh niên khuyết tật” (TVET) với nguồn viện trợ đến từ Quỹ Stichting Liliane Fonds/Liliane Foundation (Hà Lan) là một dự án thuộc lĩnh vực Hòa nhập xã hội. Dự án lấy mục tiêu tăng cường cơ hội tiếp cận với việc làm phù hợp cho thanh niên khuyết tật và được triển khai từ tháng 06/2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dự án hướng đến hỗ trợ từ 70 – 100 thanh niên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tham gia dự án, hỗ trợ các em trang bị kỹ năng cần thiết và giúp các em tự tin hòa nhập với môi trường lao động, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.

 Các hoạt động chính mà RCI phát động trong khuôn khổ dự án:

  • Định hướng nghề nghiệp cho thanh niên khuyết tật (TNKT);
  • Đào tạo nghề và các kỹ năng mềm liên quan đến tuyển dụng và việc làm cho TNKT;
  • Kết nối với các bên liên quan để giới thiệu các cơ hội việc làm với TNKT;
  • Mở rộng mạng lưới cho TNKT, thúc đẩy hỗ trợ đồng đẳng;
  • Tập huấn, nâng cao nhận thức cho cha mẹ và người chăm sóc;
  • Nâng cao nhận thức của các đơn vị sử dụng lao động về khả năng của TNKT, cải thiện khả năng tiếp cận và đảm bảo môi trường tiếp cận cho lao động là người khuyết tật;
  • Nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề việc làm cho TNKT.

Dự án “Tăng cường kiến thức và thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên khuyết tật” (Body Talk) là một dự án thuộc lĩnh vực Quyền sức khỏe sinh sản và tình dục, được tài trợ bởi Quỹ Stichting Liliane Fonds/Liliane Foundation (Hà Lan) và hỗ trợ kỹ thuật bởi tổ chức Rutgers (Hà Lan). Dự án hướng tới hỗ trợ thanh thiếu niên khuyết tật (TTNKT) trong độ tuổi từ 12 đến 25, giúp các em đưa ra lựa chọn sáng suốt về cơ thể và cuộc sống của chính mình để có thể tự tin khám phá hình ảnh tích cực của bản thân, đồng thời phát triển đời sống tình dục và các mối quan hệ, bao gồm cả mong muốn và ranh giới của riêng mình. Dự kiến sẽ có 600 người hưởng lợi trực tiếp từ dự án, bao gồm các em thanh thiến niên điếc hoặc khiếm thính, thanh thiếu niên mù hoặc khiếm thị và thanh thiếu niên khuyết tật trí tuệ.

Các hoạt động sẽ được triển khai trong khuôn khổ dự án bao gồm:

  • Xây dựng và phát triển tài liệu;
  • Tập huấn nâng cao năng lực cho các đối tác và đối tượng hưởng lợi;
  • Truyền thông nâng cao nhận thức;
  • Thực hiện Nghiên cứu, khảo sát và tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả;
  • Vận động chính sách.

Các mục tiêu cụ thể mà RCI muốn hướng tới khi triển khai dự án bao gồm:

  1. Thanh thiếu niên khuyết tật có hình ảnh tích cực về bản thân và có thể tự tin khám phá, phát triển đời sống tình dục và các mối quan hệ của mình;
  2. Cha mẹ/Người chăm sóc hỗ trợ tích cực con/em có thêm kiến thức và hiểu biết về các mối quan hệ và tình dục;
  3. Cộng đồng tôn trọng và thừa nhận rằng TTNKT là những người có nhu cầu tình dục, có mong muốn và ranh giới riêng của họ;
  4. Giáo viên có thái độ, kiến thức và kỹ năng cần thiết để cung cấp thông tin chính xác và phù hợp để giáo dục sức khỏe sinh snar và tình dục cho TTNKT;
  5. Nhân viên y tế và các đơn vị cung cấp dịch vụ khác cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn, chất lượng, phù hợp và thân thiện với TTNKT;
  6. Các bên liên quan tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ cung cấp thông tin, giáo dục sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục có chất lượng, thân thiện và phù hợp với TTNKT.

Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” được thực hiện tại ba tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam (Dự án Hoà nhập 1) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, dưới sự quản lý của Chủ dự án Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET) – trực thuộc Bộ Quốc phòng, thông qua tổ chức quản lý tài trợ Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP) và thực hiện bởi Liên danh AAI (trong đó RCI là đơn vị điều phối). Dự án hướng tới mở rộng dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) và chăm sóc cho người khuyết tật tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Dự án bao gồm 3 mục tiêu cụ thể:

  1. Mục tiêu cụ thể 1: Dịch vụ PHCN cho người khuyết tật được cải thiện​;
  2. Mục tiêu cụ thể 2: Dịch vụ chăm sóc tại cộng đồng cho người khuyết tật được cải thiện;
  3. Mục tiêu cụ thể 3: Nhận thức và thái độ của công chúng đối với người khuyết tật và hòa nhập xã hội của người khuyết tật được cải thiện.

Các hoạt động và dịch vụ mà Liên danh AAI triển khai trong khuôn khổ dự án bao gồm:

  • Cung cấp dịch vụ PHCN (Tại Trung tâm & tại nhà) cho người khuyết tật;
  • Cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật;
  • Cung cấp dịch vụ Chăm sóc (Tại nhà) cho người khuyết tật – Bao gồm: 1) Tập huấn cho người chăm sóc, 2) Chăm sóc tại nhà, 3) Hỗ trợ dụng cụ chăm sóc, 4) Cung cấp dụng cụ điều chỉnh môi trường sống, 5) Hỗ trợ sinh kế;
  • Tập huấn nâng cao năng lực cho Kỹ thuật viên PHCN và người chăm sóc hoặc các thành viên gia đình người khuyết tật;
  • Truyền thông nâng cao nhận thức và thái độ cộng đồng đối với người khuyết tật.

Thông tin ứng tuyển
x

Lỗi: Không tìm thấy biểu mẫu liên hệ.